Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Chuyện tiếp viên hàng không - Bài 2: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay...


Chuyện tiếp viên hàng không - Bài 1: Nghề “hot” cho người trẻ


Chuyện tiếp viên hàng không - Bài 2: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay...
Thứ sáu, 12/03/2010, 10:07 (GMT+7)
Dù được ăn ngon, mặc đẹp, được thường xuyên bay đi đó đây, nhưng khi háo hức ban đầu qua đi cũng là lúc tiếp viên hàng không (TVHK) cảm thấy áp lực công việc của những người làm dâu trăm họ trên những chuyến bay... Vì vậy, rất nhiều tiếp viên chỉ trải qua thời gian ngắn 5 - 7 năm hành nghề là bắt đầu có ý nghĩ chuyển sang làm nghề khác để tính chuyện lâu dài. Đó cũng chính là lý do vì sao các hãng HK phải liên tục tuyển tiếp viên mới…
Những người làm dâu trăm họ...
Đọc bức thư của tập thể tiếp viên Jetstar Pacific Airlines (JPA) mà cô Linh Chi, nguyên là Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên JPA gửi, chúng tôi mới thực sự hiểu được nỗi vất vả của những người làm nghề TVHK. Họ giống như những người làm dâu trăm họ, mà khách hàng đôi khi là những bà mẹ chồng quá quắt, chỉ muốn hoạnh họe, bắt bẻ con dâu…
Theo các tiếp viên của JPA, trên các chuyến bay hiện nay, họ nhiều lần phải tiếp xúc với những khách hàng thô lỗ, thiếu ý thức và không tuân thủ các quy định an toàn bay. Những vị khách hàng này luôn sẵn sàng gây gổ với tiếp viên khi tiếp viên yêu cầu họ tắt máy di động hay ngồi đúng số ghế. Nhiều vị hành khách còn coi tiếp viên như oshin ở nhà nên sẵn sàng mắng chửi, sai bảo họ làm những việc ngoài phận sự. Có trường hợp hành khách cuốn một tờ menu bọc nhựa (để sau thành ghế phía trước) thành cái phễu cho con mình tiểu vào đấy rồi đưa cho tiếp viên xử lý. Chưa hết, sau khi con của vị khách này ói ra bàn ăn, vị hành khách này thản nhiên ụp bàn ăn vào lưng ghế trước, cài lại rồi bế con ra Ovewing Exit chơi, mặc cho các hành khách xung quanh khó chịu vì phải thưởng thức mùi hương mà mẹ con cô ta để lại…
Trên chuyến bay khác, một hành khách mở hộc lấy hành lý, làm rớt hành lý vào mặt một tiếp viên. Sau khi tiếp viên nhắc nhở vị hành khách phải cẩn thận, thì tiếp viên này liền bị mắng cho xối xả: “Đây là phận sự của mày, mày phải xếp lại vali cho tao”. Cuối chuyến bay, trước khi bước ra khỏi máy bay, vị hành khách này còn bồi cho cô tiếp viên ấy một câu chửi: “Đồ chó!”.
Tiếp viên hàng không hướng dẫn chỗ ngồi cho hành khách. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Chúng tôi biết, không phải hành khách nào cũng đối xử với chúng tôi như thế và khi nêu những câu chuyện trên, chúng tôi hy vọng quý hành khách hiểu và thông cảm. Vì đồng lương chúng tôi nhận được là do khách hàng trả, bổn phận chúng tôi là phải làm hài lòng khách hàng nhưng đừng vì thế mà lăng nhục, mắng chửi chúng tôi. Ai cũng có lòng tự trọng và sức chịu đựng của con người cũng chỉ có giới hạn mà thôi” - một tiếp viên JPA tâm sự.
Không chỉ gặp những khách hàng thô lỗ, thiếu ý thức, TVHK cũng rất hay gặp những vị khách là những quý ông gàn dở, say rượu, có “máu 35” hay chọc ghẹo các nữ tiếp viên. Một cơ trưởng của VNA kể rằng, trong một chuyến bay quốc tế, một tiếp viên nữ rất trẻ chạy vào buồng lái báo cáo: “Chú ơi, ở khoang hạng C có một khách nước ngoài cởi hết đồ nằm ngủ chướng lắm. Cháu nhắc thì ông ta bảo đấy là quyền cá nhân, trả tiền mua vé hạng C thì ông ta có quyền”. Nghe xong, cơ trưởng cử ngay một nam tiếp viên đến nhắc nhở vị khách kia đã vi phạm quy chế bay, thế nhưng tiếp viên này cũng đành chịu thua ông khách ngang ngược. Không thể để việc “mất mỹ quan” kéo dài, cơ trưởng nhanh trí hạ thấp nhiệt độ máy bay khiến ông khách thấy lạnh phải kéo mền trùm kín. Lúc đó cô tiếp viên mới dám đi lại làm nhiệm vụ trên khoang hành khách.
Và những thiệt thòi
Với nghề TVHK, khi háo hức ban đầu qua đi cũng là lúc người ta thấm mệt và cảm thấy áp lực công việc đè nặng. Những chuyến bay dài qua nhiều vùng miền với khí hậu thay đổi đột ngột, phải đứng nhiều giờ không nghỉ mà luôn phải mỉm cười và trả lời nhã nhặn với khách cũng như phải tỉnh táo xử lý trong mọi tình huống bất thường có thể xảy ra trên máy bay, khiến công việc của TVHK trở nên căng thẳng… Đó cũng chính là lý do vì sao mà nhiều TVHK sau một thời gian ngắn hành nghề đã phải bỏ nghề hoặc mắc phải các bệnh nghề nghiệp như viêm xoang, viêm đường hô hấp, rối loạn giấc ngủ… Thậm chí có người còn mắc cả bệnh hoang tưởng như trường hợp tiếp viên Bùi Thị Mỹ H. trên chuyến bay VN 757 hồi tháng 11-2007 (do bị hoang tưởng, hoảng loạn nên tiếp viên này đã tưởng tượng và thông báo máy bay bị đặt bom) cũng đã phần nào cho thấy áp lực quá lớn của nghề này.
Ngoài việc phải chịu nhiều thiệt thòi về mặt sức khỏe như đã nêu trên, TVHK còn chịu nhiều thiệt thòi khác. Những chuyến bay liên tục nối dài từ ngày này qua ngày khác với những giờ giấc làm việc không ổn định và sự mệt mỏi sau những chuyến bay… là những yếu tố làm hạn chế cơ hội được học tập, trau dồi kiến thức của những tiếp viên cầu tiến, muốn vươn lên.
Tiếp xúc với chúng tôi, đa số các TVHK còn cho rằng, một khắc nghiệt nữa của nghề này lại chính là tuổi nghề. Cho dù ngành HK cũng như các hãng HK hiện không có quy định giới hạn về tuổi nghề nhưng dù yêu nghề cách mấy thì một TVHK cũng không thể tiếp tục bay ở tuổi ngoài 40. Bởi ở lứa tuổi đó, TVHK khó lòng giữ được vóc dáng ưa nhìn để có thể tự tin tiếp tục làm công việc của nghề phục vụ, giao tiếp với hành khách…. Đó là chưa kể đến những hy sinh khác mà các TVHK phải chịu khi họ có quá ít thời gian dành cho việc chăm sóc gia đình, con cái cũng như việc gìn giữ hạnh phúc, mái ấm gia đình nếu như người bạn đời của họ không thông cảm…
NGUYỄN THU TUYẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét