Trang

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Nghề Tiếp viên hàng không - Nên cân nhắc giữa được và mất - Nghe Tiep vien hang khong - Nen can nhac giua duoc va mat

Nghề Tiếp viên hàng không - Nên cân nhắc giữa được và mất

 Không cần phải có bằng cấp, một tiếp viên hàng không (TVHK) có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng chỉ sau một khóa huấn luyện bay ngắn. Trong xã hội, khó tìm được nghề nào không đòi hỏi trình độ học vấn mà lại có thu nhập cao, vừa nhận được nhiều sự ngưỡng mộ như nghề này. Bên cạnh mức lương cao, nghề TVHK còn giúp các bạn trẻ có cơ hội được du lịch đến nhiều vùng miền, lãnh thổ khác nhau trên khắp thế giới, được giao lưu tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội và có thể tiếp cận với các nhân vật nổi tiếng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cái bề nổi. Phía sau sự ngưỡng mộ ấy cũng có không ít những khó khăn.
Tiếp viên hàng không là ai?
Tiếp viên hàng không là những người thuộc phi hành đoàn trên các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không. Họ là những người đảm trách các công tác phục vụ hành khách trên các chuyến bay thương mại. Nhiệm vụ hành đầu là hướng dẫn và theo dõi công tác an toàn cho hành khách trong suốt chuyến bay, cung cấp các dịch vụ khác như: ăn uống, báo chí, và hỗ trợ các hành khách cần chăm sóc đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, người già.
Điều kiện để trở thành tiếp viên hàng không
- Ngoại hình: Nữ 18-25 tuổi, cao 1,58-1,75m; nam 18-27 tuổi, cao 1,68 -1,82m, đối tượng dự tuyển phải có ngoại hình dễ nhìn, tươi tắn, cân đối vì tiếp viên hàng không cần phải tạo được sự thiện cảm, thân thiện trong quá trình giao tiếp. Vì vậy có một ngoại hình ổn sẽ thu hút được cảm tình của mọi người, giúp công việc dễ dàng hơn.
- Có sức khỏe tốt, không khuyết tật. Tiếp viên hàng không phần lớn thời gian phải ở trên máy bay nên phải có thể lực nhất định để có thể chịu nổi nhịp độ của các chuyến bay. Ở các nước phương Tây, nghề TVHK được xếp vào loại nghề nguy hiểm do tính chất công việc phải thường xuyên hoạt động trong môi trường máy bay bị giới hạn nhiều về không gian lẫn không khí để thở. Bên cạnh đó do liên tục thay đổi áp suất cho những lần cất hạ cánh cũng như thường xuyên phải thay đổi khí hậu đột ngột nên các TVHK thường bị vấn đề với tai và xoang mũi. Bởi vậy, TVHK phải co sức khỏe tốt mới có thể thích nghi được.
- Trình độ tiếng Anh giao tiếp lưu loát (TOEIC từ 255 điểm, TOEFL từ 350 điểm hoặc IELTS từ 3.5 điểm trở lên). Vì phải tiếp xúc nhiều không chỉ với hành khách nội địa mà còn với nhiều hành khách nước ngoài nên cần có trình độ ngoại ngữ tốt để giao tiếp.
- Hoạt bát, nhanh nhẹn, ứng xử tình huống nhạy bén là những tố chất cần thiết của một tiếp viên hàng không.
Công việc của một tiếp viên hàng không
Ngoài phi công, TVHK là lực lượng duy nhất phải trải qua những khóa huấn luyện về an toàn đặc biệt để đạt được chứng chỉ hành nghề của giới thẩm quyền cũng như hãng sản xuất hoặc cho thuê máy bay. Chính vì vậy để có được một đội ngũ TVHK đạt tiêu chuẩn, các công ty hàng không phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc lẫn thời gian.
Theo qui định của hiệp hội hàng không thế giới, số tiếp viên tối thiểu trên một chuyến bay chở khách phải bằng một nửa số cửa trong khoang khách và phải lớn hơn tổng số khách chia cho 36.
Để trở thành tiếp viên, người ta phải được đào tạo qua các lớp học chuyên về hàng không, nơi đó họ sẽ được đào tạo và huyến luyện các nghiệp vụ thích hợp. Ngoại ngữ là một yêu cầu bắt buộc biết tiếng Anh. Các tiếp viên trong các chuyến bay quốc tế ngoài tiếng Anh ra còn thông thạo một ngôn ngữ khác như: tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Ả Rập...tùy theo tuyến bay. Đối với một số hãng hàng không quốc tế, trên một chuyến bay quốc tế thường thì đội tiếp viên có nhiều quốc tịch khác nhau. Riêng hàng không Việt Nam chỉ có đường bay Nhật và Hàn Quốc thì có tiếp viên hai nước đó mà thôi, còn các chuyến bay quốc tế khác đều do tiếp viên Việt Nam đảm trách.
Ngoài những hy sinh về mặt sức khỏe, TVHK còn chịu nhiều thiệt thòi về phương diện học tập và thăng tiến trong sự nghiệp bản thân. Những chuyến bay nối dài từ ngày này qua ngày khác, giờ giấc làm việc không ổn định, sự mệt mỏi sau những chuyến bay… là những yếu tố làm hạn chế cơ hội được trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, hòa nhập với nhịp sống của thế giới xung quanh.

Nghề TVHK còn chịu nhiều thiệt thòi về mặt tình cảm. Nếu như các bạn trẻ theo nghề này không có thời gian để tìm hiểu và vun đắp tình cảm với người yêu thì với những TVHK đã lập gia đình đó là một thử thách lớn trong việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc. Nhưng cái khắc nghiệt nhất của nghề này lại chính là tuổi nghề, cho dù có gắn bó với nghề nhiều đến như thế nào thì một TVHK không thể tiếp tục bay ở tuổi 40, cái tuổi mà đối với những nghề khác là đỉnh điểm của sự thăng tiến sự nghiệp.

Tuy vậy, dù bị không ít những thiệt thòi về mặt thể chất và tinh thần, nhưng trải qua nhiều thế hệ TVHK vẫn là một trong những nghề hấp dẫn hàng đầu đối với giới trẻ Việt Nam. Thị trường nguồn nhân lực hàng không sẽ hết sức cạnh tranh, với nhiều cơ hội được làm việc trong ngành nghề hấp dẫn này đang rộng mở cho các bạn trẻ hiện nay.

Đào tạo tiếp viên hàng không
- Học viện hàng không Việt Nam
Địa chỉ: 104 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; Tel: 08.8442251 – 08.8424762.

- Công ty cổ phần hàng không VietJetAir Văn phòng ALSIMEXCO
Địa chỉ: 200/10/1Nguyễn Sơn, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội; Tel: 04.8732383; 04.2112723; Email: alsimexco-ho@hn.vnn.vn.
- Chi nhánh ALSIMEXCO tại TP.HCM - Địa chỉ: 2 Trường Sơn, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM; Tel: 08.8488380; Email: alsimexco@hcm.vnn.vn 

Ngoài ra, bạn cũng có thể trở thành tiếp viên bằng cách được một hãng hàng không nào đó tuyển dụng, sau đó các hãng này sẽ đào tạo bạn một cách bài bản để trở thành tiếp viên. Đương nhiên sau đó bạn sẽ làm cho hãng đó. Hiện nay ở Việt Nam có 3 hãng tuyển tiếp viên: VietNamAirlines, Pacific Airlines và Vasco; trong đó VietNamAirlines và Vasco sẽ đào tạo tại trung tâm huấn luyện bay.
 
Tâm Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét